Pages

Monday, April 16, 2007

Taegukgi hwinalrimyeo (Tình anh em)

Taegukgi hwinalrimyeo (Tình anh em)

Cuộc chiến đầy nghịch lý - cây bút của thời gian - tình huynh đệ vĩnh cửu

Tựa phim chính thức:
태극기 휘날리며
Taegukgi hwinalrimyeo

Tựa phim tiếng Anh: Brotherhood
The Brotherhood of War

Tựa phim tiếng Việt:
Tình Anh Em (tạm dịch)

Đạo diễn: Je-gyu Kang
Năm: 2004
Ngôn ngữ: tiếng Hàn
Tiểu sử trên [imdb|wikipedia]
Điểm trên IMDB: 8.1




Hàn Quốc Nam Bắc nội chiến, huynh đệ tương tàn, là một chủ để khá quen thuộc mà báo chí, thơ ca, và phim ảnh trong và ngoài nước Hàn đã tốn khá nhiều giấy mực để giải thích, nhận xét, và tái thể hiện. Phim “Tình anh em” có cái gì mới cho chúng ta? Có cái gì đặc biệt, sắc sảo đến nỗi một phần năm dân chúng xứ lạnh đã kéo đến rạp xinê, tạo nên một hội chứng “xinê” (11.74 người đến rạp, khoảng 1/4 ~ 1/5 dân số Hàn Quốc) có một không hai trên thế giới? Có phải là kinh phí cao ngất trời như dạng Titanic? Hay là do các kỹ xảo điện ảnh được tạo dựng một cách đầy ấn tượng, làm ta liên tưởng đến các phim chiến tranh Việt Nam kinh điển của Mỹ? Hay đơn giản hơn là do có sự góp mặt của các ngôi sao điện ảnh Hàn Quốc “hot” nhất hiện nay, một vài người trong số họ chỉ diễn không quá 10-15 phút trong một bộ phim dài 3 tiếng đồng hồ? Thích nhất là được xem Oldboy thân yêu của tôi đóng vai phản diện, làm sỹ quan Bắc Hàn bị Jin-tae bắt sống sau cuộc tổng tiến công vào Bình Nhưỡng của hợp quân Mỹ-Nam Hàn tháng 10 năm 1950. Vẫn là bộ mặt lạnh như tiền rất đáng sợ mà ta đã từng thấy trong Oldboy hay Lady Vengeance. Rất tiếc phim anh này chỉ đóng một vai rất nhỏ.

Trở lại với “Tình anh em,” cái gì đã lôi cuốn được hơn mười một triệu dân xứ Hàn đến với rạp chiếu phim? Một phụ nữ Sài Gòn tầm 20-30 có thể đã quá quen với chuyện ngồi lì ở nhà sau bữa ăn tối, chờ đón xem tập 119 của một “vở cải lương” Hàn Quốc nào đó với tổng thời lượng không dưới 1000 phút và diễn viên/cốt truyện cũng na ná giống với một “vở” khác ở trên đài Bình Dương hay Đồng Nai. Ở Hàn Quốc các bà nội trợ cũng “lì” không kém. Đừng bao giờ thử bảo họ rời mắt ra khỏi ti-vi khi có phim nhiều tập đang chiếu. Thế mà lại có chuyện phần đông phụ nữ xứ Hàn đổ xô đến rạp, thường là vào ban đêm, và chấp nhận bỏ qua tập kế tiếp của bộ phim truyền hình yêu thích nhất của họ.

Tôi cũng không hiểu cho thấu, nhưng sẽ đưa ra một số giả định của mình. Mong quý độc giả hãy châm chước cho sự ít hiểu biết về văn hóa cũng như lịch sử Hàn Quốc của tôi và hãy coi các nhận xét của tôi là có mục đích sư phạm là chính.

Trước khi đi vào phân tích sâu, ta hãy tóm tắt sơ lược cốt truyện bộ phim.

---------------------------
SPOILER AHEAD
---------------------------

SEOUL, thời nay. Trong một lần đi tìm dấu tích của các binh lính bị mất tích của cuộc chiến, các chuyên gia Nam Hàn đã khai quật được một bộ hài cốt mà họ cho rằng của binh nhất Lee Jin-seok, hy sinh tại một trận đánh ở biên giới năm 1951. Tuy vậy, sau khi điều tra thêm thì họ phát hiện ra Jin-seok hiện vẫn còn sống, và nay đã là một ông già. Khi gọi điện thoại xác minh thì ông đinh ninh cho rằng đó là hài cốt của anh trai mình, Jin-tae, cũng mất tích từ sau trận đánh đó. Các chuyên gia phủ nhận thông tin này, và Jin-seok bảo cháu gái mình chở ông đến địa điểm khai quật để làm rõ.

Rồi phim mang chúng ta trở về năm 1950. Jin-tae làm nghề đánh giày để lấy tiền nuôi em cho mình được đi học. Hai người đứng trước một tiệm giày và mơ ước rằng một ngày nào đó Jin-tae sẽ có đủ tiền để mở một tiệm giày riêng. Jin-tae tặng cho Jin-seok một cây bút, rồi cả hai chạy về nhà thăm mẹ. Mẹ của hay anh em là chủ một quán mỳ. Nhà còn có 3 em nhỏ và Young-shin, vợ chưa cưới của Jin-tae.

Chiến tranh bất ngờ nổ ra. Hai anh em họ Lee bị ép gia nhập quân ngũ và được gửi ra tiền tuyến. Jin-tae rất thương em mình: anh đã xung phong cho nhiều nhiệm vụ nguy hiểm với hy vọng một ngày nào đó sẽ được thưởng huân chương danh dự để có thể xin cho Jin-seok được giải ngũ. Jin-seok thì lo lắng bội phần cho sự an toàn của Jin-tae, và cầu xin anh mình hãy bảo toàn tính mạng là trên hết. Người anh không nghe. Với lòng dũng cảm của mình, Jin-tae thăng tiến rất nhanh, nhưng cũng trở nên hung tợn và tàn nhẫn hơn. Anh ra lệnh cho lính dưới quyền tàn sát tù nhân Bắc Hàn mà mà không hề chớp mắt, hay bắt họ phải đánh nhau đến chết nếu không sẽ bị nhịn đói. Jin-seok dần dần cảm thấy xa cách với anh mình. Quân Nam Hàn thắng tới đâu, em càng cảm thấy anh đã bị ánh hào quang của quyền lực làm cho mờ mắt tới đó.

Mùa thu năm 1950, Nam quân đã chiếm lại được hết các vị trí quan trọng và đang đẩy lùi dần Bắc quân về phía biên giới Trung Quốc. Ngày 19/10/1950, thời quộc bất ngờ thay đổi. Bộ binh Trung Quốc, được yểm trợ bở pháo binh và thiết giáp, đồng loạt vượt biên giới Trung-Hàn và, với quân số hơn 100,000 người, dễ dàng đập tan những cố gắng chống chọi yếu ớt của đối phương. Phe tư bản rút về phương Nam cũng là lúc Jin-seok nhận được huy chương danh dự. Anh liền thưa với chỉ huy về trường hợp của em mình. Viên chỉ huy vui vẻ đồng ý.

Mọi chuyện vẫng chưa suôn sẻ. Khi Jin-seok về thăm nhà thì chứng kiến cảnh Young-shin, vợ chưa cưới của Jin-tae, bị dân quân Nam Hàn bắt đi vì tội phản quốc. Jin-seok vì cố ngăn cản cũng đã bị bắt. Young-shin bị mang ra trường bắn mà không cần tra khảo. Hai anh em họ Lee đã có mặt để giải cứu cho Young-shin, nhưng không những không cứu được mà Jin-seok còn bị bắt vì đã tấn công vào lực lượng điều tra. Jin-tae thì bị tước mất huy chương danh dự. Khi anh tranh cãi với viên chỉ huy, tên này do cáu bực đã ra lệnh tống giam anh. Đúng lúc đấy thì quân Trung Quốc đánh đến nơi. Trong giờ phút cấp bách, Jin-tae chĩa súng vào mặt tên sỹ quan và bảo hắn hãy ra lệnh mở của trại giam. Gã liền hét lớn vào điện thoại: “Còn cái bọn tù nhân lợn Bắc Hàn, hãy đốt hết đi cho tao!” Nghe câu này, Jin-tae cố chạy vào để giải cứu cho em mình nhưng không kịp. Sau nửa tiếng đồng hồ, xương người cháy khét lẫn với quần áo bị đốt ra tro dồn vào với nhau thanh một đống đen kịt. Jin-tae, vì quá căm phẫn, nhặt lấy một cục gạch và đánh tên sỹ quan cho đến chết...

Một vài tháng sau, phim quay cảnh người em Jin-seok đang dưỡng thương tại một quân y viện ở Seoul. Còn một tuần nữa là sẽ được giải ngũ, người em bất ngờ được tin người anh đã trở thành người lãnh đạo của nhóm “Kỳ Quân” danh tiếng của Bắc Hàn. Quá uẫn ức, Jin-seok quyết định ra tiền tuyến một lần nữa với hy vọng tìm được anh mình. Khi bị cấm không được xuất trận, Jin-seok liền trốn đi đầu hàng phe Cộng Sản. Trong lúc đang được dẫn đi tìm anh mình thì trận chiến đã bắt đầu...Đánh nhau một lúc, Jin-seok phải bất ngờ đối mặt với anh trai của mình. Jin-tae không thể nhận ra người em, và hai anh em đánh nhau đến gần chết. Chỉ khi bên Nam Hàn xuất lệnh rút quân, Jin-tae mới tỉnh ra. Anh van xin em hãy bỏ chạy trước, thề thốt với em rằng anh xẽ quay trở về. Khi Jin-soek đi rồi, Jin-tae xả súng cối vào phe Bắc Hàn cốt để có thêm thời gian cho em mình thoát đi. Rồi thì người anh bị quân Cộng Sản bắn chết.

Hóa ra trước khi bỏ đi, Jin-seok đã trao lại cho Jin-tae cây bút của mình, và nó vẫn ở bên cạnh người anh. Đây chính là lý do mà nhóm khai quật đã tưởng rằng đấy là hài cốt của Jin-seok. Khi Jin-seok nhìn thấy nó ở cạnh Jin-tae, ông bật khóc và trách anh mình đã không giữ được lời hứa. Máy quay zoom trở về quá khứ khi mà Jin-seok khóc khi nhìn thấy bộ đôi giày của Ý mà anh mình đã mua. Phim kết thúc tại đây...

----------------------------------

Một cốt truyện khá hấp dẫn và giật gân, và bạn có thể nói: “Phim ly kỳ như vậy đáng để xem chớ!” Có thể bạn đúng, nhưng bản thân tôi đã xem nhiều phim về chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt-Mỹ. Oliver Stone tôi đã coi đủ 3 tập của bộ trilogy. “We were soldiers,” “Hamburger hill” và “Full metal jacket” thì tôi đã ngấu nghiến từ đầu đến cuối, còn bộ Rambo đủ các phần thì đã xem hàng ngàn lần, mặc dù lần nào coi cũng cười đến đau cả bụng! Với kinh nghiệm “đầy mình” như vậy, tôi thì thấy phim này có rất nhiều khâu chưa ổn. Xin liệt kê ra vài khâu để bà con cùng xem xét. Sở dĩ như vầy là vì sau đó tôi sẽ nêu ra các điểm tốt của phim, để bà con thấy dễ thở, ngủ ngon và căn bản là có ý muốn xem phim này sau khi đọc bài viết. Dù sao đây cũng là một phim đáng xem.

---------------------------------------
MAJOR SPOILER AHEAD
---------------------------------------

Nửa đầu của phim: thất vọng tràn trề. Có cảm giác tôi đang xem phim B-side của Mỹ về chiến tranh Việt Nam. 'Pretentious' là từ đầu tiên tôi nghĩ đến khi tôi xem phim, và đây là điểm làm cho tôi bực mình nhất. Xin nói thẳng ra là tôi ủng hộ chế độ Cộng Sản Việt Nam hiện tại, cho nên xin mọi người thứ lỗi nếu tôi suy luận có vẻ thiếu công bằng. Nhưng thực ra là trong suốt phần đầu của phim, tôi có cảm giác phim này được được “tài trợ” bởi chính phủ Nam Hàn để nói xấu người anh em phương Bắc và tự đề cao chế độ của mình. Trước hết hãy chỉ nói riêng về cách làm phim chiến tranh. Một bộ phim chiến tranh được xem là hay phải có một cái nhìn thực công bằng về cuộc chiến.

Thứ nhất, “thực” là sao? Thực trước hết là thực về mức độ con người. Trong chiến tranh thì gần như sẽ không bao giờ chỉ có anh hùng, mà sẽ có rất nhiều kẻ hèn nhát. Ngay cả trong cùng một con người, đã có lúc dũng cảm và mưu trí thì cũng phải có lúc hèn hạ và tuyệt vọng. Thế nhưng ta không bao giờ thấy Jin-seok và Jin-tae run sợ trước cái chết trong phim. Hai nhân vật này vô tri trước súng đạn, xe tăng và đại bác của địch. Jin-tae thì không cần phải nói, độc thương độc mã nam chinh bắc chiến còn hơn cả Rambo của Mỹ. Ngay cả Jin-seok luôn miệng nói an toàn là trên hết cũng chạy dọc ngang gần một cây số chiến hào của quân Bắc Hàn như đi giữa chỗ không người. Con người đã vô giác, đạn dược cũng vô cảm luôn. Jin-seok thì không bao giờ trúng đạn, còn Jin-tae thì trúng đúng hai lần. Một lần anh bị bắn đâu đó trên người, nhưng vẫn tiếp tục chạy tiếp như vận động viên nước rút 100 mét. Lần thứ hai anh bị mảnh vỡ của pháo đâm trúng đầu, máu ra đầm đìa, miệng kêu ôi ối. Nhưng đến cảnh quay kế tiếp thì hỡi ôi máu trên đầu anh đã biến đâu mất, anh lại đi lại bình thường tìm kiếm xác em mình. Quân Trung Quốc thì thản nhiên để cho Jin-tae tự do ra vào giữa kho giam tù binh Bắc Hàn bị đốt rụi!?? Những nghịch lý không thể nào lý giải được này làm cho tôi điên cả đầu. Chắc là nếu cho cựu binh xem thì họ sẽ hộc máu tức chết mất thôi!

Thứ hai, công bằng là sao? Trên giấy, trên bản đồ ta có thẻ viết chữ hoa, CỘNG SẢN hay TƯ BẢN, nhưng trên trận mạc thì không có cộng sản cũng chẳng có tư bản, chỉ có con người trần trụi với con người. Không có kẻ đúng người sai, chỉ có hai con rối bị điều khiển trên một sân khấu đầy máu. Đành rằng tựa phim, Taegukgi, cũng là tên của ngọn cờ Nam Hàn Quốc, nhưng phim đã quên mất rằng lính Bắc Hàn hay là lính Nam Hàn thì đều không phải là những cỗ máy mà cũng là con người. Phim giơ ngón tay trỏ kiêu ngạo và thản nhiên chỉ ra: “Đấy! Bọn đấy là cộng sản, vậy bọn nó là bọn xấu. Bọn tôi là tư bản, vậy tụi tui phe tốt.” Phim đã vén cho ta xem tâm hồn của hai nhân vật chính là Jin-tae và Jin-seok và một số người người Nam Hàn Quốc khác, hy vọng chúng ta sẽ đồng cảm. Nhưng ôi chao, sao mà tôi khát khao từng phút một được đồng cảm với những tâm hồn tương tự, nhưng mà ở phía bên kia chiến tuyến! Có phải người lính cộng sản nào cũng man rợ, xảo quyệt và vô cảm như phim đã chỉ ra? Có phải ở phương Bắc chỉ toàn là những con lợn bị tẩy não, những tên xí trai mồm phì phèo thuốc lá, răm rắp tuân lệnh cấp trên mà không cần suy nghĩ? Mỗi khi một lính Nam Hàn chết, tại sao phim lại cố khoác lên mình một sự thương tiếc tột cùng, trong khi mỗi một mảnh người lính phương Bắc ngã xuống đều được đón tiếp bằng điệu bộ: “Ừ...chết cha mày đi! Đáng lắm.”? Đã là chiến tranh thì mỗi một mạng người đều có giá trị như nhau, các bạn có đồng ý không? Trong phim có cảnh quân Nam Hàn đi qua một ngôi làng bị thảm sát bởi quân Bắc Hàn. Chưa kể đến điều phi lý của việc quân Bắc Hàn giết dân Bắc Hàn một cách vô tổ chức trong lãnh thổ Bắc Hàn, ta đầu tiên hãy đặt câu hỏi: “Thế còn những ngôi làng bị quân Nam Hàn lục soát hay cướp phá vô tội vạ?” Tại sao phim lại không chiếu những cảnh đấy?

Có rất nhiều những cái nhìn bất công như thế suốt chiều dài của phim mà tôi có thể tốn hàng giờ để phê phán. Sau một nửa phim, tôi tự hỏi phải chăng tiêu chí chọn phim hay của dân Hàn Quốc chỉ có thế. Nhưng rồi phim đã dần đổi hướng đi và ít nhiều đã trở nên bớt một chiều hơn. Tôi dần nghĩ lại về kết luận ban đầu của mình, và thấy rằng mặc dù phim sặc mùi tuyên truyền, cũng có những phút mà tôi có cảm giác đoàn làm phim muốn gởi tới chúng ta một thông điệp ẩn. Phải chăng họ bị ràng buộc bởi các nhà tài trợ bắt phải làm phim chính trị, nhưng muốn nhắn tới chúng ta một lời nào khác? Xin liệt kê ra một vài giây phút như vậy:

1) Sau cảnh làng bị thảm sát ở Bắc Hàn, tiểu đội của Jin-taek Bắc tiến vào khu đầu não của địch. Ở đây, họ mặc sức bắn giết tàn quân cộng sản. Nếu hiểu sơ qua thì thấy đây là một hành động có thể chấp nhận được, vì quân cộng sản ở cảnh trước đó đã giết hại dân làng vô tội. Tụi nó đáng chết, theo đúng logic của phim đã nêu ở trên. Tuy vậy, khi Jin-tae chuẩn bị giết một sỹ quan địch, tên này đã thốt lên một câu mà đã làm cho lòng tôi chạnh đi: “Mày chỉ là một quân cờ dơ bẩn của đế quốc Mỹ!” Hắn nhổ vào mặt Jin-tae một cách đầy kiêu ngạo, rồi thì bị lửa thiêu cho chết. Và rồi tôi nghĩ lại, thực ra sẽ chẳng có thay đổi gì nếu ta đổi chỗ đứng của hai phe trong cuộc chiến. Phim vẫn sẽ diễn ra như thế, Jin-tae sẽ chửi tên sỹ quan kia: “Mày là tay sai của Trung Quốc và Liên Xô!” và phần lớn khán giả sẽ không thể nhận ra được sự khác biệt. Vì khi xem phim, vì dụ những phim action của Hollywood, phần lớn bộ não chúng ta đã tự động chấp nhận nhân vật tốt xấu mà tiền đề phim nêu ra, như một triết lý không thể và cũng cần thay đổi. Ta tin rằng quân cộng sản đã tàn sát người dân làng, nhưng tại sao ta tin như vậy? Vì quân Nam Hàn nói vậy. Quân Nam Hàn dựa vào đâu mà ra kết luận này? Không đâu cả, chỉ là bằng cảm tính. Vậy sao ta vẫn tin? Vì từ đầu, tiên đề phim đã đặt ra luật lệ: Nam Hàn tốt, Bắc Hàn xấu. Tất cả những gì Nam Hàn nói đương nhiên phải là sự thật. Trong câu nói của viên sỹ quan Bắc Hàn, “quân cờ” ám chỉ ai? Lính Nam Hàn? Hay nó ám chỉ chúng ta, những khán giả lười động não? Đối với riêng tôi, chính câu nói này của viên sỹ quan Bắc Hàn đã xoa dịu đi nỗi bực mình khi bị đối xử như một đứa trẻ lên ba xem phim hoạt hình trên HTV7 vào lúc 7g mỗi tối.

2) Cảnh Jin-seok đánh nhau với một tù nhân Bắc Hàn. Jin-tae lấy việc xem tù binh đánh nhau làm thú vui. Jin-seok muốn “thách thức”anh mình và nhảy vào vòng đấu. Ngoài sự căng thẳng giữa hai anh em ra, cảnh này là một biểu tượng đau thương cho cuộc chiến huynh đệ tương tàn lúc đấy. Jin-tae hỏi Jin-seok: “Em làm gì vậy?” Jin-seok trả lời: “Đây chẳng phải là một trò chơi sao? Phải đánh nhau hoặc là chết đói.” Sau đó anh nói với tên tù binh: “Chúng ta phải đánh nhau cho đến khi một trong chúng ta không đứng dậy được nữa. Chúng ta phải đánh đến cùng.” Lời nhắn nhủ ở cảnh này là sao? Jin-seok và tên tù binh kia tượng trưng cho ai? Họ đánh nhau đâu có phải là do ghét nhau hay là vì lý do khác? Chết vì đói, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, có hàm ý gì? Những người đứng ngoài cổ vũ là ai? Đánh đến chết hoặc là chết vì đói, một sự lựa chọn đau thương và không dễ dàng chút nào.

3) Cái chết của Young-shin. Khi Jin-seok về thăm lại nhà cũ thì gặp cảnh Young-shin bị lực lượng điều tra chống Cộng Nam Hàn giải đi vì tội phản quốc. Tôi xin trích lại đoạn đối thoại giữa viên sỹ quan và Young-shin vài phút trước khi cô bị bắn.

-----
Sỹ quan : KIM Young-shin, 23. Gia nhập Đảng Cộng Sản vào ngày 23 tháng 6. Chúng tôi có chữ ký của cô ta.
Young-shin: Tôi chỉ làm vậy để được nhận thức ăn. Tôi không biết nó là cái gì.
Sỹ quan : Cô ta đã làm việc cho Đảng Cộng Sản 35 lần, và tham gia vào nhiều cuộc biểu tình.
Young-shin: Nhà tôi lúc ấy sắp chết đói. Tôi phải tìm thức ăn bằng mọi giá. Chính phủ Nam Hàn đã không cho chúng tôi cái gì cả!
Sỹ quan : Cô im đi!
-----

Một câu trả lời khá hoàn chỉnh, nếu không nói là trúng phóc, cho câu hỏi trước của tôi: “Chính phủ Nam Hàn tốt hơn chính phủ Bắc Hàn?” Một cảnh phim thật đau lòng. Sau đó, tên sỹ quan cáo buộc Young-shin đã ngủ với lính Bắc Hàn, do vậy cho nên cô mới không chịu đi sơ tán. Young-shin một mực phủ nhận lời buộc tội này, nhưng Jin-tae bị phân tâm cho nên đã không chịu đưa cô ra khỏi khu nguy hiểm. Vài phút sau, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Young-shin nói: “Làm sao em có thể chết bây giờ được? Những người em trai của chúng ta...những người dân...Jin-tae!” Cô có hàm ý gì? Phải chăng cô muốn còn sống để chăm sóc cho các em mình. Lưu ý răng Young-shin không có em trai, mà muốn nói đến Ji-seok và đứa con trai út của nhà họ Lee. Còn khi cô nhắc đến những người dân (phụ đề tiếng Anh dịch “people”), cô muốn nói gì?

4) Cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai anh em nhà họ Lee tại trận...Cuối cùng thì mong ước của tôi được xem phim từ bên kia chiến tuyến đã thành sự thật! Không hẳn như vậy. Nhìn rừng lính Bắc Hàn bị máy bay phản lực của Mỹ nã đạn lốp đốp vào, xác ngã xuống mương từng lớp như sung rụng, vừa thấy chán đời vừa thấy mắc cười. Đành rằng cũng có một chút sự thật trong đấy vì đúng là trong chiến tranh phe tư bản có hỏa lực không quân mạnh hơn gấp nhiều lần, tôi không hỏi không nghĩ các nhà làm phim muốn chứng minh điều gì với cảnh trên...rằng phe Mỹ-Nam Hàn oai hùng hơn? Xin lưu ý, oai hùng hơn không có nghĩa rằng đấy là phe tốt (những phim chiến tranh hạng B của Mỹ đã quên điều này, ví dụ như phim “Rambo”). Ngay cả khi lính Bắc Hàn bắn rơi được một máy bay của Mỹ (bắn rụng đúng theo kiểu Việt Nam, tức là bằng AK47 và tiểu liên, chứ chưa phải là hỏa lực phòng không), con chim sắt cũng phải lao đầu vào lô cốt, lấy thêm mạng mấy anh lính cộng sản ốm đói. Thiệt là bó tay mấy ông cố vấn quân sự cho phim! Nhưng thôi hãy tạm tua qua đoạn này. Sau một hồi Nam Bắc nhập trận, lực lượng cảm tử quân, gọi là “Kỳ Quân” của Jin-tae đã đến chi viện cho phe Bắc Hàn. Jin-seok tìm cách tiếp cận anh mình, nhưng Jin-tae đã hoàn toàn mất ký ức về người em trai. Hắn chỉ biết cầm baronê đâm loạn xạ, mồm luôn chửi bới: “Bọn Nam Hàn khốn kiếp! Chết hết đi cho tao!” Jin-seok cố ôm chầm lấy anh, với hy vọng Jin-tae sẽ nhận ra mình, nhưng cũng vô ích. Trận đánh áp sát ngày chàng đẫm máu. Nhận thấy tình hình không ổn, phe Nam Hàn thổi lệnh rút quân. Lúc này, Jin-seok đã tuyệt vọng. Anh áp hai tay vào mặt của anh mình thật mạnh rồi nói vài lời. Thật kỳ lạ, Jin-tae bề ngoài trông như một con quái vật điên loạn, nhưng khi nghe mấy lời này lại anh liền lập tức tỉnh lại. Trong một nghĩa cử anh hùng cuối cùng, anh thuyết phục Jin-seok đi trước, rồi ở lại quyết tử với quân Bắc Hàn...

Một cảnh phim đầy xúc động. Có khá khiều điều đáng để phân tích qua đoạn phim này, nhưng tôi xin chỉ tập trung vào một điểm duy nhất: Jin-tae nhìn thấy Jin-seok đã không thể nhận ra em mình, nhưng khi nghe Jin-seok kể về quá khứ thì lập tức nhận thức được lỗi lầm của mình.

-----------------------------
Ý nghĩa của cây bút
-----------------------------

Sau khi đã phân tích mặt chiến tranh của phim, tôi thấy nó có khá nhiều lỗ hổng, những cliché căn bản mà những người làm phim, vì ham mê các hiệu ứng khói lửa, đã mắc phải. Họ đã quên mất tính thực và tính công bằng trong phong cách dựng phim. Tuy vậy, nói từ một góc độ nào đó thì cũng không thể phủ nhận rằng nguồn kinh phí khổng lồ của bộ phim, phần nhiều được đổ vào kỹ xảo điện ảnh, đã góp một phần không nhỏ vào sự thành công của nó. Dù gì đi nữa, đây cũng là bộ phim đầu tiên đánh trực diện vào chủ đề chiến tranh Hàn Quốc được đầu tư rất công phu và với một dàn diễn viên gạo cội của điện ảnh Nam Hàn. Đoàn làm phim đáng được cho một tràng pháo tay đơn giản vì họ đã tạo nên được một tác phẩm có thể cạnh tranh được với làn sóng phim cùng chủ đề của Mỹ đang tràn ngập thị trường phim ảnh thế giới. Nhưng vẫn phải trở lại với câu hỏi mà tôi trăn trở từ đầu bài viết này, sức hút ghê gờm nào đã quyến rũ được 1/5 dân số Nam Hàn đến với rạp? Đó không thể là sự tinh tế trong cách xây dựng nhân vật. Hai anh em nhà họ Lee là hai nhân vật xa rời thực tế nhất mà tôi từng được xem: họ quá hoàn hảo, quá một chiều!

Tôi xin mạo muội đưa ra một giả thuyết. Đó chính là sự đơn giản trong cách mà bộ phim truyền đạt cho khán giả thông điệp của nó. Đã là chiến tranh thì phải có mất mát. Đã là chiến tranh thì phải có mềm yếu, phải có hèn nhát, và tất phải có sai lầm. Đã là chiến tranh không có kẻ thắng, chỉ có kẻ bại trận. Nhưng những chân lý này không có một ý nghĩa quan trọng trong bộ phim, bởi vì “Tình anh em” KHÔNG PHẢI LÀ MỘT BÔ PHIM VỀ CHIẾN TRANH. Thông điệp chính của nó không phải là một lời phán xét ai đúng, ai sai trong cuộc giằng xé lãnh thổ một cách điên loạn của hai dòng tư tưởng Tư Bản – Cộng Sản mà hai con tốt bị thí chính là hai miền Bắc-Nam của một đất nước nhỏ bé ở Đông Á. Như tên gọi giản đơn của nó, bộ phim muốn tôn vinh một mối quan hệ son sắt giữa hai nhân vật chính, một mối kết dính mà tôi nghĩ sẽ vẫn hiện hữu DÙ CHIẾN TRANH CÓ XẢY RA HAY KHÔNG. Chiến tranh đã xảy ra, và tình yêu giữa Jin-tae và Jin-seok được đẩy lên một tầm cao mới. Nhưng như một cuộc thí nghiệm hóa học, cái ta quan tâm nhất chính là câu hỏi: “ta bắt đầu ở đâu, và đích đến là gì?” dù cho có phải mất bao nhiêu lần thử để đạt được kết quả này. Chẳng qua, đoàn làm phim đã đưa Jin-tae và Jin-seok vào cuộc thí nghiệm khó khăn nhất, gian nan nhất, và họ đã thành công. Và kết quả thì ta đã thấy.

Trong bối cảnh người làm phim cố truyền đạt một thông điệp đơn giản về tình huynh đệ giữa hai anh em họ Lee, thì hình ảnh cây bút mà Jin-tae đã tặng cho Jin-seok là một biểu tượng đầy ý nghĩa cho mối quan hệ cao cả đó. cây bút là lý do mà bộ phim đã bắt đầu, và nó đã có mặt ở đoạn cuối để khép lại một cuộc điều tra đầy ý nghĩa. Ở năm 1950, nó là sự minh chứng cho tình cảm giửa Jin-seok và Jin-tae, và nó đã theo một trong hai người cho đến khi họ chia tay năm 1951, và gặp lại với một ý nghĩa khác năm 2004. Jin-tae tặng nó cho em trai để truyền đạt điều mà anh mong muốn nhất từ sâu thẳm đáy lòng mình: Jin-seok được đi học. Jin-seok trao lại nó cho Jin-tae trước khi chết cũng là để nói ra ước muốn mãnh liệt nhất của mình: Jin-tae được về nhà một cách an toàn. Em giữ lời, anh thất hứa, và ta có một chủ đề để làm phim, có một câu chuyện cảm động mà tính giản đơn và chất phát của nó đã bồi đắp cho sự mất mát về tính thực và độ tinh vi về xây dựng nhân vật. Dò lại cốt truyện, ta hiểu rõ hơn thông điệp này trong cảnh trước trận đánh cuối cùng. Viên sỹ quan hỏi người em, lúc này nôn nóng muốn ra trận để tìm lại người anh: “Cậu làm điều này cho ai, cho anh của cậu hay là cho quốc gia của cậu?” Sự im lặng của Jin-seok đã truyền đạt ý nghĩa sâu thẳm nhất của anh: hoàn toàn không có một sự quan tâm sâu sắc nào về vận mệnh quốc gia hay một lòng trung thành cao cả với chế độ Nam Hàn. Nghĩ cho cùng, Bắc Hàn hay Nam Hàn, Tư Bản hay Cộng Sản, miễn là có một cơ hội để gặp lại anh mình, Jin-seok sẽ cố thử. Đó chính là thông điệp đơn giản nhất mà đoàn làm phim muốn gửi gắm đến khán giả.